Đường nối Trần Quốc Hoàn và Dương Quảng Hàm chỉ thông xe một nửa vì vướng mặt bằng
Cập Nhật:2025-01-21 17:19 Lượt Xem:89
Đường nối Trần Quốc Hoàn đến Hoàng Hoa Thám sắp thông xe
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 20-1, đại diện Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) cho biết tuy chưa thông xe được toàn tuyến đường nối Trần Quốc Hoàn và Dương Quảng Hàm, nhưng chủ đầu tư sẽ khai thác một phần để người dân đi lại thuận lợi hơn dịp cuối năm.
Ngày 23-1 thông xe một phần đường Trần Quốc HoànDự án đường nối Trần Quốc Hoàn sẽ thông xe đoạn từ đường hầm Phan Thúc Duyện từ đầu tuyến đến Hoàng Hoa Thám (hơn một nửa dự án) vào ngày 23-1. Sở dĩ chưa thể hoàn thành toàn dự án vì còn vướng nhiều mặt bằng.
Đường nối Trần Quốc Hoàn đoạn trước nhà ga T3 được tập trung xây dựng những ngày qua - Ảnh: CHÂU TUẤN
Dự án có tổng cộng 85 trường hợp bị ảnh hưởng. Trong đó 68 trường hợp cá nhân, hộ gia đình, 17 trường hợp tổ chức (14 đơn vị quân đội, khoảng 12,562ha), 3 tổ chức là Công ty Quản lý bay Miền Nam (4.401,32m2), Cảng vụ Hàng không miền Nam (280,71m2), Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận Tân Bình (920m2).
Theo Ban Giao thông, đến nay 34/68 trường hợp giải tỏa trắng sẽ được tái định cư tại chỗ tại khu đất rộng 2.658m2 (tại vị trí góc giao giữa tuyến Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa và đường Hoàng Hoa Thám).
Đến ngày 17-1, quận Tân Bình đã bàn giao được 46/68 mặt bằng nhà dân để triển khai thi công. Dự kiến đến ngày 20-2 địa phương sẽ giao toàn bộ mặt bằng còn lại (22 hộ dân) để kịp xây dựng hoàn thành dự án trước dịp 30-4, khai thác đồng bộ với nhà ga T3 Tân Sơn Nhất.
Khi các phần kết nối còn lại của đường nối Trần Quốc Hoàn xong, giao thông khu vực này được kỳ vọng sẽ được cải thiện đáng kể, “chia lửa” cho đường Cộng Hòa vốn đã quá tải những năm qua - Ảnh: CHÂU TUẤN
Ngày 27-1 thông xe một phần đường Dương Quảng HàmTương tự, dự án xây dựng nâng cấp và mở rộng đường Dương Quảng Hàm trong năm nay cũng chỉ kịp thông xe một phần do vướng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật.
Dự án thành phần 2, bồi thường giải phóng mặt bằng do Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Gò Vấp làm chủ đầu tư với 425 trường hợp bị ảnh hưởng (415 hộ dân, 7 đơn vị quân đội và 3 lô cốt) với tổng chi phí hơn 1.900 tỉ đồng. Hiện nay, còn nhiều mặt bằng chưa giải tỏa xong.
Vấn đề khiến đường Dương Quảng Hàm chậm tiến độ hơn kế hoạch ban đầu do vướng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật - Ảnh: CHÂU TUẤN
Đoạn từ đầu tuyến (đường Lương Ngọc Quyến) đến Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân dài 520m và đoạn từ Nhà văn hóa An Nhơn đến cuối tuyến (đường Nguyễn Văn Lượng) dài 295m là tuyến mới hoàn toàn và đã thảm nhựa toàn bộ mặt đường.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, đồng thời giảm áp lực cho các đường gần đó, đặc biệt là Phan Văn Trị, Ban Giao thông tổ chức thông xe đoạn này vào ngày 26-1.
Đồng thời đoạn từ Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân đến Nhà văn hóa An Nhơn dài 1.640m (mở rộng đường hiện hữu), hiện người dân vẫn đi lại bình thường theo phương án đảm bảo giao thông trong thời gian xây dưng.
Hiện nay đoạn này đã thảm bê tông nhựa phần mở rộng bên phải tuyến và do Tổng công ty Điện lực TPHCM chưa hoàn tất việc ngầm hóa, di dời các trụ điện (dự kiến đến ngày 30-4-2025 mới hoàn thành), nên sẽ tồn tại hàng cột điện chạy dọc mép đường hiện hữu.
Để đảm bảo an toàn giao thông, Ban Giao thông đã dùng tôn để rào quây các trụ điện, sơn trắng đỏ và gắn đèn chớp cảnh báo vào ban đêm.
"Việc đưa vào khai thác trước một số đoạn tuyến sẽ giảm áp lực cho các tuyến trục chính, đường lân cận, đặc biệt dịp cuối năm nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Ban Giao thông cùng các đơn vị liên quan sẽ tập trung hoàn thành sớm các đoạn còn lại", vị đại diện cho hay.