NON: Dựng không gian đẹp cho sự đọc
Cập Nhật:2025-01-22 16:34 Lượt Xem:131
Các học sinh thích thú đọc sách trong thư viện NON tại Trường THCS Phan Chu Trinh (Đắk Som, Đắk Glong, Đắk Nông) - Ảnh: LINH THOẠI
Những ngày giáp Tết bận rộn, gần 30 bạn trẻ tuổi đôi mươi vẫn sắp xếp hai ngày cuối tuần cùng NON dựng nên một thư viện sáng tạo cho các học sinh ở Trường THCS Phan Chu Trinh (xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, Đắk Nông).
Điều đặc biệt là NON không chỉ mang đến cả ngàn quyển sách hay, mà tập trung "cải tạo không gian thư viện thông qua các giải pháp thiết kế sáng tạo", tạo nên một không gian đọc vừa thỏa mãn thị giác vừa tạo cảm giác thư giãn cho các bạn nhỏ.
NON - tên dự án - vừa có nghĩa măng non, non-profit (phi lợi nhuận) vừa có nghĩa thư viện không chỉ là nơi lưu trữ sách.
NON hy vọng các bạn nhỏ ở khắp nơi đều có cơ hội tiếp cận thư viện một cách vui vẻ và thoải mái nhất. Thư viện không chỉ là nơi lưu giữ sách, mà còn là một điểm đến để các bạn kết nối bạn bè, đọc, học, phát triển các kỹ năng, vui chơi, sáng tạo và trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình.Nguyễn Thụy Phương Anh (đồng sáng lập dự án NON)Sách hay, kệ đẹp, ghế êmNguyễn Thụy Phương Anh - đồng sáng lập dự án NON
Nguyễn Thụy Phương Anh - đồng sáng lập dự án NON - chia sẻ sau nhiều lần cùng đi tặng sách cho các trường học và không gian đọc, cô cứ ưu tư chỉ sách hay thôi là chưa đủ nếu không gian đọc buồn tẻ, khô cứng.
Ưu tư đó khiến cô gái sinh năm 1991 có nhiều kinh nghiệm quản lý trong ngành thiết kế sáng tạo (chuyên về thiết kế thương hiệu và nội thất) ủ mộng dựng nên một không gian đọc khiến trẻ em thật sự muốn đắm mình vào và say mê khám phá.
Ước mơ ấy có hình hài rõ rệt hơn sau chuyến khảo sát tại An Giang về nhu cầu của học sinh lẫn thủ thư.
Trước những thiệt thòi của trẻ vùng sâu và khoảng trống sách dành cho học sinh cấp hai, Phương Anh cùng đồng đội quyết tâm đi những bước đầu tiên cho dự án NON.
Hai "điểm tựa" lớn của dự án là xưởng sáng tạo The Lab Saigon - đơn vị thiết kế không gian đọc, thương hiệu, hỗ trợ chiến lược truyền thông và chương trình Tủ sách Giải trí và Giáo dục - đơn vị kết nối và chọn lọc điểm đọc có nhu cầu, tư vấn chuyên môn về sách và các chương trình khuyến đọc.
Để tạo nên không gian quyến rũ các bạn nhỏ, NON mang đến những chiếc kệ bọ rùa được thiết kế xinh xắn lấy cảm hứng từ hình ảnh con cánh cam, cùng những chiếc ghế lười êm ả.
Những chiếc kệ sách bắt mắt trẻ thơ ra đời sau nhiều thử nghiệm của kiến trúc sư Trần Gia Tú. Gia Tú cho biết anh chọn thiết kế này vì hình ảnh con cánh cam dễ nhận diện, là loài côn trùng có ích và rất gần gũi với đời sống của trẻ em ở nông thôn.
Tháng 5-2024, thư viện NON đầu tiên ra đời tại Trường THCS Quang Trung ở xã Đông, huyện K'bang, tỉnh Gia Lai. Đắk Nông là điểm đến thứ hai của dự án, lần này NON bắt đầu làm đẹp thêm không gian bên ngoài thư viện bằng tranh tường.
Các nhóm tình nguyện viên chia nhau nhóm vẽ tường, nhóm sắp xếp sách và trang trí bên trong thư viện, nhóm làm workshop hướng nghiệp, nhóm tổ chức hoạt động khuyến đọc bằng các trò chơi sinh động...
Với 15 năm điều hành Tủ sách Giải trí và Giáo dục - chương trình tặng sách cho các nơi có nhu cầu, Trần Thị Kim Thoa (sinh năm 1986, hiện làm việc trong ngành phát triển nông nghiệp bền vững và bảo bệ rừng) - đồng sáng lập dự án NON - có nhiều kinh nghiệm trong việc tuyển lựa sách hay.
Nhìn qua hàng loạt bìa sách hấp dẫn trưng bày trên kệ tại thư viện NON thứ hai, mắt Kim Thoa lấp lánh: "Chỉ cần các em đọc được một ít sách ở đây thôi là tiếp nhận không biết bao nhiêu kiến thức hay ho rồi". Theo Kim Thoa, tiêu chí hàng đầu để dự án chọn điểm đến là nơi đó có một thủ thư tâm huyết với sự đọc, biết tạo nên sinh khí cho thư viện.
Khi không gian đọc rạng rỡNgày NON bàn giao thư viện tại Trường THCS Phan Chu Trinh, các học sinh lần lượt vào tham quan đã vờ òa trong niềm vui và sự hứng khởi khi "trường mình nay đã có một thư viện đẹp không ngờ".
Em H'Uyên - học sinh người dân tộc Mạ ở lớp 9A2 - hào hứng: "Em thấy thật vui khi thư viện có nhiều sách cho học sinh tham khảo, và thật tuyệt vời khi tụi em có thêm một nơi để thư giãn sau những tiết học khá căng thẳng". Còn H' Thận - bạn học của H'Uyên - dùng hai chữ "rạng rỡ" khi miêu tả không gian đọc mới: "Thư viện trước đây âm u, bây giờ rạng rỡ quá chừng, khiến em muốn đến thư viện nhiều hơn".
Nhìn không gian làm việc của mình "biến hình" khi dự án NON có mặt, thủ thư Nguyễn Thị Thùy không giấu được sự xúc động, bởi như cô chia sẻ, sau gần 20 năm ra trường, cô vẫn chưa bao giờ có cơ hội làm đúng nghề mình tâm huyết trong bối cảnh thư viện có cũng như không với nguồn kinh phí hạn chế.
Sau một tuần, cô Thùy kể: "Thư viện ngày nào cũng quá tải bởi lượng học sinh đổ về, mỗi giờ ra chơi có đến 40 - 50 em vừa ngồi vừa đứng đọc sách. Mình bận rộn hơn nhiều, nhưng vô cùng vui".
Có thể thấy những gì NON mang tới không chỉ là một không gian đọc tươi tắn mà còn là nhiều giá trị vô hình khác cho hành trình trưởng thành của đối tượng thụ hưởng lẫn người trẻ tham gia dự án. Hy vọng NON ngày càng lớn mạnh để có thể mang không gian thư viện sáng tạo đến thật nhiều nơi.